18/9/15

Kinh nghiệm làm Bánh bao kim sa/Liu Sa Bao

Cho tới bây giờ, có vẻ độ hot của bánh bao kim sa vẫn chưa hạ nhiệt. Nhà mình cũng không đứng ngoài cuộc :p So với việc ra ngoài Thọ Phát mua 1 chiếc bánh bao kim sa 10k thì tự làm ở nhà có lẽ sẽ chỉ mất nửa số tiền đó thôi! Vậy là lại càng có lý do để mình lăn vào bếp làm để tự mình ăn cho tới khi ngắn thì thôi :p Sẵn tiện mớ trứng muối làm bánh trung thu, mình bắt tay làm luôn :D








Công thức bánh bao kim sa mình tham khảo từ bên Savourydays nhưng khi bắt tay thực hiện thì có 1 lượng đáng kể kinh nghiệm rút ra nên nếu những ai gặp những vấn đề như mình có thể tham khảo để làm nhé!

Với mình, việc thành công món bánh này quan trọng nhất là công đoạn gói nhân và hấp. Nếu gói nhân không kĩ và hấp quá lửa hay thời gian thì mẻ bánh hoàn toàn thất bại do nhân chảy ra ngoài và chín đặc lại như nhân cadé ấy! Với những bạn mới tập tành làm bánh thì nên lưu ý thêm công đoạn nhồi bột vỏ bánh nữa nhé!

Sau đây là công thức và cách làm của mình cùng với những kinh nghiệm mình rút ra!

Độ khó: Trung bình


Nguyên liệu:


A. Nhân bánh 
45 gram sữa đặc có đường 
50 gram bơ nhạt – để rất mềm ở nhiệt độ phòng 
50 gram nước cốt dừa (mình thay bằng sữa tươi)
5-6 lòng đỏ trứng muối 
30 gram sữa bột

B. Vỏ bánh
* Phần thứ nhất:
250 gram bột mì 
3 gram men instant 
3 gram đường 
140 ml sữa tươi không đường nếu dùng cake flour hoặc 160 ml nếu dùng bột mì đa dụng 
30 ml dầu ăn

* Phần thứ hai
75 gram bột mì
30 gram đường
1 lòng trắng trứng
10 gram bột sữa
4 gram bột nở baking powder



Cách làm: Bạn có thể tham khảo clip bên Savourydays (SD). Tại bài này, mình sẽ chỉ chia sẻ những kinh nghiệm mình rút ra sau khi làm!

 
Tips và lưu ý:

- Nếu bạn không có khuôn sillicon và không muốn chi 1 khoản ra mua khuôn, theo như bên SD thì bạn có thể dùng thìa múc kem múc nhân tạo hình sau khi nhân đã đông hoặc chờ nhân đông rồi lấy tay nặn nhưng theo mình thấy thì nhân cực kì lỏng, cực kì dính và cực kì nhanh chảy.

Nếu chọn cách dùng thìa xúc kem để múc thì nhân khi múc ra sẽ không phải là 1 khối đặc mà sẽ lồng phồng hơi xốp, rất mau chảy, nhất là với khí hậu ở Sài Gòn thì nhân chỉ cần đem ra cỡ 2-3' là đã bắt đầu chảy rồi chứ không nói tới việc dùng tay nặn. Nhân chảy sẽ gây khó khăn khi thao tác gói bánh và dính mép bánh làm bánh bị hở, nhân bánh sẽ trào ra trong quá trình hấp.

Để giải quyết vấn đề trên có 2 cách: 1 là đông lạnh nhân rồi cắt khối, tuy nhiên, cách này cũng chưa phải là tối ưu nhất vì nhân đông cứng lại khó cắt và khi cắt cũng khó cho việc cân khối lượng từng viên nhân. Cách thứ 2 là cách mà mình làm, dùng giấy bọc thực phẩm. Cách này hơi tốn thời gian và giấy bọc 1 tí nhưng gọn gàng, sạch sẽ và sẽ giúp bạn dễ thao tác khi bọc nhân hơn rất nhiều.






Bạn chỉ cần cắt 1 miếng giấy bọc thực phẩm thành hình vuông, chùm lên miệng 1 chiếc cốc sao cho phần giấy giữa cốc hơi trũng xuống, đặt ly bọc giấy lên cân, múc nhân vào theo khối lượng cần rồi túm giấy nilon lại xoắn chặt tạo thành hình tròn. Làm vậy cho đến khi hết nhân rồi cho vào ngăn đá. Sau khi nhân đã đông lại, bạn có thể lấy ra, tháo xoắn và nắn lại nhân cho tròn đều, sau đó xoắn lại trữ tiếp trong ngăn đá tới khi cần dùng. Khi dùng thì lấy từng viên ra, gỡ nilon rồi đặt lên vỏ bánh gói lại. Vừa gọn vừa sạch! Không nên lấy hết nhân ra khỏi tủ lạnh 1 lần vì nhân chảy rất nhanh.




-Nồi hấp trong clip của SD là nồi hấp bằng điện, bánh hấp trong 10' lửa to, độ sôi của nồi có lẽ sẽ yếu hơn bếp ga. Mình làm vỏ bánh 40g, hơn công thức gốc 10g và hấp chỉ với 7' lửa trung bình bếp ga tại nhà là bánh chín vừa đẹp. Hấp quá lâu với lửa lớn, nhân sẽ trào ra hoặc chín đặc ở trong. Nhân chín đặc sẽ kém ngon hơn và không béo bằng nhân còn chảy mượt.




- Khi nhồi vỏ bánh tại bước 1, lần đầu tiên mình làm thì bột rất khô, không thể gom thành 1 khối, mình dùng nửa bột mì đa dụng và nửa cake flour, sau đó mình thêm sữa để bột kết dính lại với nhau. Vậy nên, khi thấy bột khô, hãy mạnh dạn cho thêm sữa, trường hợp của mình thì bịch sữa 220ml sau khi cho vào nhân 50ml thì còn 170ml, mình dùng gần hết bịch sữa để cho vào vỏ bánh bao. Nếu vỏ bánh sau khi cho phần thứ 2 vào hơi dính thì có thể dùng bột áo nhồi tới khi bánh đạt. Theo mình, bột bánh hơi ướt sẽ dễ chữa hơn bánh bị khô.

-Mình thay nước cốt dừa bằng sữa vì nhà không thích nước dừa, sợ đầy bụng, mình cũng nghĩ có dừa nhân sẽ mau hư hơn nữa nên thay bằng sữa. Nhân ra vẫn rất ngon nhé!

-Cuối cùng, đừng nhồi bằng máy nếu máy của bạn không khỏe. Mình chỉ nhồi bằng máy ở 2-3 phút đầu cho nguyên liệu quyện lại là thấy máy đã hơi nóng lên rồi. Vậy nên chỉ dùng máy vài phút đầu cho đỡ dơ tay thôi, sau đó mình nhồi tay. Nhồi bằng tay bánh vẫn ra ngon như thường nhé!


Chúc các bạn thành công!!!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét